Trang Phục Truyền Thống Nhật Bản – Kimono

Kimono là trang phục truyền thống của Nhật Bản. Đối với văn hóa Nhật Bản, Kimono không chỉ đơn thuần là trang phục mà còn được xem là tác phẩm nghệ thuật. Người Nhật đã sử dụng Kimono trong vài trăm năm nay, nhưng ngày nay những bộ quần áo này thường chỉ được sử dụng trong những ngày lễ tết, đám cưới.

Cùng Du học YHA tìm hiểu thêm về những nét đặc trưng của trang phục Kimono qua bài viết dưới đây nhé.

Lịch sử của trang phục kimono

Những bộ kimono mà ta biết đến ngày nay được ra đời vào thời đại Heian (794 – 1192), chúng được bắt nguồn từ kiểu trang phục nhà Đường – Trung Quốc. Sau này, người Nhật đã sáng tạo thành kiểu riêng, đẹp và cầu kỳ hơn được mọi người đón nhận và phát triển nhanh chóng.

Qua thời gian, kimono trở thành thời trang, người Nhật bắt đầu quan tâm tới việc phối hợp những bộ kimono và phát triển hơn về hoa văn màu sắc. Điển hình, sự kết hợp màu sắc phù hợp theo mùa hoặc địa vị chính trị của người mặc.

Thời gian đầu, chiếc áo kimono với cánh tay áo xẻ và dài chạm tới đất, thân áo dài nhiều lớp màu sắc khác nhau được phối hợp tinh tế thường xuất hiện trong các nghi lễ long trọng của giới thượng lưu.

Cho đến thời kỳ Kamamura (1192 -1333) và Muromachi (1338 – 1573) thời kỳ của các võ sĩ đạo Nhật Bản, bộ lễ phục kimono được các võ sĩ đạo đưa vào làm trang phục thường ngày và kimono trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Các loại Kimono và kiểu dáng

Kimono dành co nữ thường chỉ có 1 cỡ duy nhất, người mặc cần phải bó y phục lại cho phù hợp với thân người. Kimono được chia thành các loại sau:

  • Furisode: Dành cho thiếu nữ độc thân, ống tay áo rộng và dài, màu sắc tươi tắn với nhiều họa tiết trang trí trên vải tốt và được dệt thủ công. Khi 1 cô gái Nhật Bản đến tuổi 20 sẽ được công nhận là người trưởng thành, được quyền bầu cử và chịu trách nhiệm trước pháp luật, được phép hút thuốc và uống rượu công khai. Rất nhiều bố mẹ mua cho con gái mình 1 bộ Furisode để kỉ niệm bước ngoặt trọng đại này.
  • Tomesode: Là trang phục dành cho những người phụ nữ đã có gia đình. Ống tay áo ngắn, màu chủ đạo ở thân áo là màu đen, phần vạt áo bên dưới có một số hoa văn đơn giản với màu sắc trang nhã. Tomesode đen có thêu phù hiệu gia tộc dùng để mặc trong các sự kiện trang trọng như đám cưới của người thân.
  • Homongi: Dành cho mọi đối tượng phụ nữ (nhưng thông thường là những phụ nữ đã có gia đình) thường mặc trong các buổi tiệc trà, họp mặt người thân hoặc các cuộc viếng thăm theo nghi thức. Màu sắc trang nhã, họa tiết trang trí có trên khắp mặt vải, tuy nhiên không nhiều bằng Furisode.
  • Tsukesage: được mặc trong các buổi tiệc, tiệc trà, cắm hoa và đám cưới của bạn bè. Thường có hoa văn chạy dọc theo thân và lưng áo, đắp ở đỉnh vai, họa tiết trên áo sáng và nổi rõ.
  • Yukata: loại kimono thông thường, mặc trong mùa hè thường làm bằng vải cotton với tay áo ngắn. Ngày nay, Yukata thường dùng để mặc trong ngày lễ Bon-odori (ngày hội nhảy truyền thống của người Nhật vào mùa hè), các cuộc hội hè và mặc trong các quán trọ truyền thống của người Nhật.
  • Mofuku: Chỉ được sử dụng đi đám tang của họ hàng gần. Toàn bộ kimono có màu đen
  • Shiromuku: lễ phục trắng cô dâu mặc trong lễ cưới với phần đuôi áo khá dài và tỏa tròn ra. Màu trắng tượng trưng cho sự trong trắng và bắt đầu một chuyến đi. Bộ lễ phục thường đi kèm băng vải trắng trên đầu có tên là tsunokakushi.
  • Junihitoe: tức là mười hai lớp áo – loại trang phục dành riêng cho phụ nữ hoàng gia và quý tộc vào thời Heian.

Chất liệu kimono còn được phân biệt theo mùa:

  • Mùa đông: thời tiết lạnh nên kimono sử dụng loại vải lót dày bên trong và gam màu nóng, tạo cảm giác ấm áp.
  • Mùa hè: thời tiết nóng, kimono không có vải lót, màu sắc trang phục dịu mát

Kimono dành cho nam giới thường không có hoa văn, màu tối và có in gia huy của dòng họ. Màu sắc trang trọng và truyền thống nhất là màu đen.

Phục trang đi kèm

  • Juban: Là một chiếc áo lót để tránh kimono bị bẩn, được mặc vào trước khi mặc kimono. Theo quy tắc mặc juban cuốn bên phải vào trước bên trái vào sau và thắt lại bằng thắt lưng obi làm bằng lụa. Nếu quấn bên trái trước là bạn chuẩn bị đi dự lễ tang.
  • Khăn thắt lưng Obi: được dùng để cố định nếp áo và là điểm nhấn trang trí cho bộ kimono. Ngoài ra obi còn ngầm biểu hiện thành phần xã hội. Một chiếc obi thông thường có chiều dài khoảng 4,2 mét và rộng 30 centimet với chất liệu bằng lụa với mẫu hoa văn dệt thủ công tỉ mỉ và tinh tế. Có 2 loại obi: fukuro-obi (chỉ được trang trí 1 mặt) và nagoya-obi (ở giữa hẹp hơn để thắt quanh người dễ dàng hơn). Người Nhật có hơn 100 cách buộc obi, trong đó có những kiểu được sử dụng nhiều nhất là:
    • Taiko-musubi: buộc ở đằng sau có hình dáng giống chiếc trống, không kén chọn độ tuổi và có thể kết hợp với bất cứ loại kimono nào.
    • Bunko-musubi: hình dáng đặc trưng như hình bươm bướm đang rủ cánh
    • Tateyanoji-musubi: hình dạng là chiếc nơ lớn nghiêng 1 góc 45, thường đi kèm với trang phục thiếu nữ furisode.
    • Darari-musubi: có hình dạng 2 tấm lụa dài vắt chéo sau lưng, dành cho các maiko (geisha thực tập).
  • Koshi-himo: một chiếc khăn buộc ở thắt lưng để cố định kimono
  • Datejime: một chiếc thắt lưng khác ở dưới obi giúp obi giữ được hình dáng của nó.
  • Tabi: một loại tất đặc trưng với phần ngón chân được chia làm 2 phần dùng để đi cùng dép truyền thống
  • Geta, Zori: loại giày dép truyền thống đi với kimono, chúng có hình thức khá giống với những đôi sandal hiện tại.
  • Cây dù hoặc một chiếc túi nhỏ.

Đàn ông mặc kimono với hakama một loại phụ kiện kiểu nửa quần nửa váy mặc phía bên dưới và bên ngoài kimono và haori là loại áo khoác ngoài có vạt áo ngắn đến hông hoặc đùi, tay áo rộng.

Những sự kiện mặc kimono

Người Nhật mặc komono phù hợp theo từng giai đoạn cuộc đời của họ và theo mùa.

  • Chào mừng đứa trẻ mới sinh: Trong khoảng 30 – 100 ngày đứa trẻ được sinh ra, ông bà, cha mẹ anh chị em cùng nhau đến miếu thờ để báo cáo về sự ra đời của đứa trẻ. Đứa trẻ mặc bộ kimono trắng bên trong. Bên ngoài bộ kimono đó, bé gái mặc 1 bộ kimono nhuộm màu yuzen – bé trai mặc 1 bộ kimono nhuộm màu đen có đính gia huy của gia tộc.
  • Lễ hội Shichi-go-san được tổ chức vào tháng 11 là lễ hội dành cho trẻ em, bé trai 5 tuổi – bé gái 3 hoặc 7 tuổi tới miếu thờ địa phương để cảm ơn thần linh đã giữ cho con họ khỏe mạnh và chóng lớn.
  • Ở tuổi 20, những người trẻ kỷ niệm lễ trưởng thành bằng cách đến miếu thờ vào ngày 2 thứ 2 của tháng 1. Trong dịp này, các cô gái mặc furisode và các chàng trai mặc haori và hakama có gắn phù hiệu gia tộc.

Trong các sự kiện mặc kimono, trừ những sự kiện yêu cầu màu sắc bắt buộc thì người Nhật thường nghĩ đến yếu tố màu sắc phù hợp với thời tiết. Màu xanh nhạt thích hợp cho mùa xuân, các màu mát như tím nhạt, xanh đen thích hợp để mặc trong mùa hè. Mùa thu phù hợp với những màu mô phỏng màu lá rụng, mùa đông là những màu gam nóng như đỏ và đen.

Ngày nay, với cuộc sống hiện đại, trang phục Kimono không được dùng làm trang phục hàng ngày nữa, tuy nhiên trong những ngày lễ tết, dịp quan trọng , đặc biệt người Nhật vẫn ưu tiên mặc những bộ kimono truyền thống. Cha mẹ vẫn tặng kimono cho con gái khi tới tuổi trường thành và khi đi lấy chồng. Và có những bộ kimono được lưu giữ từ đời này qua đời khác được coi như vật gia bảo.

Nếu được đi du lịch hoặc du học tại Nhật Bản, bạn hãy thử trải nghiệm mặc bộ kimono truyền thống và tham dự các lễ hội truyền thống của người Nhật nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *