Văn Hóa Nhật Bản – Văn Hóa Trà Đạo

Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc được truyền lại qua nhiều thế hệ được giữ gìn cho tới ngày nay. Từ những món ăn cổ truyền, lễ hội dân tộc, trang phục truyền thống, …. Hãy cùng Du học YHA tìm hiểu những nét văn hóa trà đạo lâu đời của Nhật Bản qua bài viết dưới đây nhé.

Giới thiệu tổng quan về đất nước Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia và đảo quốc ở khu vực Đông Á, là nước đông dân thứ 12 thế giới và là 1 trong các quốc gia có mật độ dân số và đô thị hóa cao nhất. Nhật Bản là một phần của vành đai lửa và trải dài trên một quần đảo bao gồm 6825 đảo nhỏ và 5 hòn đảo chính là: Hokkaido, Honshu, Shikoku, Kyushu và Okinawa.

Nhật Bản là một trong những nước có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Và cũng là một trong những thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn như: Liên hợp quốc, OECD, G20, G7.

Không chỉ lớn mạnh về kinh tế, Nhật Bản còn phát triển và thu hút khách du lịch quốc tế tới thăm quan những địa danh nổi tiếng và những nét văn hóa đặc sắc nơi đây.

1. Nguồn gốc văn hóa trà đạo

Trà đạo là một trong những nét văn hóa gắn liền với Nhật Bản. Trà đạo được phát triển từ cuối thế kỷ 12, theo truyền thuyết, thời đó có một cao tăng người Nhật Eisai sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Sau khi trở về nước ngài có đem theo một số hạt giống trà trồng trong sân chùa. Sau này chính cao tăng Eisai đã sáng tác ra cuốn “Khiết trà dưỡng sinh ký” nội dung ghi lại những điều thú vị liên quan tới việc uống trà.

Theo thời gian, Trà đạo không chỉ là phương thức thưởng trà đơn thuần, mà còn là nghệ thuật, là tạo ra một không gian tĩnh lặng để tâm hồn hòa cùng với thiên nhiên để tâm hồn thư thái và cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên.

Trà đạo họ thường kết hợp uống trà với tinh thần thiền của phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà và trở thành một văn hóa trà đạo thuần Nhật.

2. Những yếu tố thực hiện nghi thức trà đạo

Để thực hiện một nghi thức trà đạo, người hành lễ cần có đầy đủ những yếu tố sau:

Trà thất: Là một căn phòng có kích thước nhỏ khoảng 3x3m2. Trong phòng được trải những tấm tatami hay chiếu tre được sắp xếp thành hình vuông bởi 8 mảnh 0,75×1,5m, trông rất tao nhã. Trong trà thất thường được trang trí thêm: Tranh, thơ, câu liễn, hoa, lư trầm. Các đạo cụ trên được sắp xếp gọn gàng, không chiếm diện tích của phòng trà, tạo sự cân bằng, hòa hợp theo phong thủy.

Trà viên: là một khu vườn được thiết kế phù hợp với việc ngắm hoa và thưởng thức trà. Tuy nhiên loại này không thông dụng như trà thất bởi tính cầu kỳ và đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân tạo ra cảm giác tự nhiên nhất. Trong trà viên mọi người sẽ thường ngồi trực tiếp trên thảm cỏ. Các đạo cụ như; hoa, lư trầm thường đặt ở giữa những người tham gia. Ngoài những loài cây được trồng trong khuôn viên, còn thường được bài trí thêm hòn non bộ, những tảng đá lớn chậu nước cũng được sắp xếp theo bố cục phù hợp với phong thủy.

Đạo cụ pha chế:

  • Trà: Tùy theo hệ phái nào mà trà được sử dụng khác nhau. Nghệ thuật Điểm trà sử dụng Matcha (trà bột): là những lá trà non được xay nhuyễn thành bột. Khi pha trà có màu xanh tươi, bột trà được đánh tan với nước sôi. Trà nguyên lá: chỉ lấy nước nguyên chất từ lá trà, bỏ bã trà, màu nước có màu xanh nhẹ hoặc vàng tươi. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm một số thảo dược, các loại củ quả phơi khô để làm gia tăng hương vị của trà và mang tính trị liệu tốt cho sức khỏe.
  • Nước pha trà: Thường là nước suối, nước mưa, nước giếng hay nước đã được tinh lọc.
  • Ấm nước: Dùng đun sôi để pha trà, thường được làm bằng đồng để giữ độ nóng lâu.
  • Lò nấu nước: Bếp lò bằng đồng thường được dùng than để nấu. Nhưng ngày nay đã được thay thế bằng 1 bếp điện để trong lò đồng.
  • Hũ đựng nước: Dùng để đựng nước lạnh khi pha trà.
  • Chén trà: Dùng để cho khách thưởng thức. Chén được làm bằng men công phu, tỉ mỉ và mỗi chén trà có một họa tiết khác nhau.
  • Kensui: chậu đựng nước rửa chén khi pha trà, được làm bằng men và to hơn chén trà một chút.
  • Hũ, lọ đựng trà: dùng để đựng bột trà, được trang trí rất đẹp, mang tính thẩm mỹ cao.
  • Khăn Fukusa: khăn dùng lau hũ, lọ trà và muỗng trà trước khi pha.
  • Khăn chakin: được làm bằng vải mùng màu trắng dùng lau chén trà khi pha trà.
  • Khăn kobukusa: dùng để kê chén trà. Khi đem trà cho khách thưởng thức, dùng khăn đặt lên tay, sau đó đặt chén trà lên để giảm độ nóng tách trà vào tay, sau đó mang chén trà cho khách.
  • Muỗng múc trà: chiếc muỗng được làm bằng tre dài, một đầu uốn cong để múc trà.
  • Gáo múc nước: chiếc gáo bằng tre, nhỏ, dài dễ múc nước từ trong ấm nước, hũ đựng nước ra chén trà.
  • Cây đánh trà: Dùng để đánh tan trà với nước sôi. Được làm từ tre, ống tre được chẻ nhỏ 1 đầu thành nhiều cọng tre với kích thước nhỏ khoảng 1mm
  • Bình trà: được dùng để pha lá trà.
  • Tách trà nhỏ: dùng để thưởng thức các loại trà lá.
  • Bánh ngọt: dùng bánh trước khi uống trà sẽ giúp cảm nhận hương vị đậm đà của trà.

3. Những nghi thức khi thưởng thức trà đạo

Bên cạnh những nét nổi bật về hương vị, quy trình pha chế và không gian thưởng thức, thì trà đạo Nhật Bản còn đặc sắc về nghi thức thưởng trà.

  • Trang phục truyền thống Kimono thường được chủ nhà sử dụng để tiếp khách.
  • Trước sự cung kính từ phía chủ nhà, khách thưởng trà cúng phải ăn mặc lịch sự, trang trọng. Khách sẽ phải cởi giầy trước khi vào phòng chờ của tiệc trà đạo.
  • Chủ nhà và khách chào nhau bằng cách cúi đầu im lặng.
  • Tranh, thư pháp, bình hoa được trang trí trong trà thất, trà viên sẽ là chủ đề để bàn luận trong lúc thưởng trà.
  • Khi khách mời đã ngồi với tư thế seiza, chủ nhà hoặc các trà sư sẽ tiến hành nghi thức pha trà và mời trà.
  • Để thể hiện sự tôn trọng với trà sư, khách mời sẽ thưởng trà theo quy trình: xoay bát, nhấp một ngụm, khen ngợi trà và chuyển chén trà cho người tiếp theo.
  • Quy trình sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi tất cả khách mời đã được thưởng thức hết.

Cho dù quy trình của một buổi tiệc trà đạo phức tạp, tỉ mỉ đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng nhiều người Nhật nói riêng và một số người nước ngoài họ vẫn học và đam mê với nghệ thuật trà đạo này. Bởi mỗi buổi trà đạo làm cho con người quên đi những khó khăn hiện tại và sống chậm lại, tâm hồn trở nên thanh thoát nhẹ nhàng hơn. Vì vậy, nếu có cơ hội tới Nhật Bản du lịch, hoặc đi du học bạn đừng quên “bỏ túi” những hướng dẫn từ Du học YHA và tham gia những buổi tiệc trà đạo truyền thống nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *